Ks. Lê Thanh Trị
0938 45 44 35
Phần lớn trong số họ trình độ học vấn ở bậc trung học, khá hơn một chút thì qua trường trung cấp kỹ thuật. Nhưng những sáng chế, phát minh của các "Hai lúa" thì đáng phong kỹ sư lắm! Ðáng phong bởi họ có óc sáng tạo, hiểu biết Công nghệ kỹ thuật và hiểu biết khoa học để giải quyết các vấn đề thực tế.
Gọi "kỹ sư chân đất, quạt nan" còn để phân biệt với những kỹ sư chân giày, máy lạnh. Ðội ngũ này được đào tạo cơ bản, tốt nghiệp đại học, thành thạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nhưng nhiều người trong số đó chưa thật sự gắn bó và có những đóng góp thiết thực với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Mấy năm qua có rất nhiều kỹ sư chân đất đã nghiên cứu thành công, chế tạo ra những chiếc máy, giúp nông dân bớt nhọc nhằn, lại làm ra nhiều sản phẩm. Có thể kể rất nhiều. Ở TP Ðà Lạt, Lâm Ðồng có ông Nguyễn Hữu mới học hết lớp 9, chế tạo thành công hệ thống cáp treo chạy bằng máy nổ, lắp đặt ở các khu vườn, giúp nông dân vận chuyển vật tư, phân bón và nông sản. Rồi ông Lê Thanh Trị ở huyện Ðức Trọng sáng chế máy gieo hạt giống rau quả, xuất khẩu sang Ma-lai-xi-a và Thái-lan. Ông Nguyễn Văn Xuân ở Cam Ranh, Khánh Hòa làm máy liên hợp gặt đập, suốt lúa, có thể thay thế 15 lao động thủ công. Còn anh thợ cơ khí Kiên Hùng, người dân tộc Khmer ở Cầu Ngang, Trà Vinh hoàn thành máy bóc tách vỏ lạc trước sự ngỡ ngàng, thán phục của bà con trong phum sóc. Cái máy nặng hai tạ, bóc được 70 giạ lạc vỏ trong một giờ. Tới nay Kiên Hùng đã bán 17 chiếc máy cho bà con trong tỉnh...
Chưa hết, và khó kể ra hết. Vì các "Hai lúa" miền nam, các lão nông tri điền miền bắc còn lắm phát minh, sáng chế chưa công bố. Có ông còn bạo gan chế tạo cả máy bay trực thăng để phun thuốc trừ sâu. Có bác nông dân quê đồng chiêm trũng Hà Nam "sờ đầu gối nói thật" về cách nuôi lợn không phải... tắm mà lợn vẫn tăng trọng đều đều. Nghĩa là muôn kiểu sáng chế, muôn cách làm giàu. Nghĩa là dưới bóng tre làng, có bao điều nghĩ ngợi mang tầm... kỹ sư, có khi còn cao hơn thế.
Chợt nghĩ: các nhà khoa học ở ta đang đi đâu? Không phải không có công trình nghiên cứu ở các viện khoa học, các nhà máy, các địa phương. Nhưng nhiều công trình đang vì nhiều lý do mà rơi vào lãng quên. Ðã không ít đề tài khoa học bị xếp ngăn kéo. Thông thường ở các nước tiên tiến trên thế giới có khoảng 20% đề tài nghiên cứu được ứng dụng trong thực tế. Còn ở ta, đâu như con số ấy chưa tới 10%. Sự lòng vòng nhiều cửa trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học, từ soạn thảo dự án, hội thảo, đi thực tế, tới kinh phí... khiến nhiều công trình dang dở. Rồi việc đào tạo các nhà khoa học có học hàm, học vị không bảo đảm chất lượng, không phù hợp nhu cầu thực tiễn cũng là vấn đề cần kiểm tra, siết chặt. Mới rồi, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã thu hồi quyết định cho phép đào tạo tiến sĩ thuộc 57 chuyên ngành ở 27 cơ sở đào tạo, một quyết định thận trọng, kiên quyết và được dư luận đồng tình.
Khoa học hướng tới những vấn đề có tầm chiến lược, phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH. Nhưng, giống như "nghệ thuật vị nhân sinh", khoa học trước hết phục vụ con người, làm cho người lao động bớt phần vất vả, nhất là ở một đất nước có hơn 80% số dân là nông dân như nước ta. V.I. Lê-nin từng nói: Hãy để cho người nông dân suy nghĩ trên luống cày của họ. Các kỹ sư chân đất với ý tưởng sáng tạo, niềm say mê, đã "tự cứu mình", và giúp cho nền khoa học nước nhà lấp đi một phần khoảng trống đó.